Trên thị trường ngày nay, đối với các doanh nghiệp buôn bán hàng hóa dịch vụ đều phải ghi đủ thông tin sản phẩm, các chứng nhận và in chúng rõ ràng trên từng bao bì của sản phẩm để giúp cho sản phẩm đó có thể được phép lưu hành trên thị trường một cách dễ dàng, và đối với người tiêu dùng cũng vậy, đọc hiểu những thông tin được in trên bao bì cũng giúp cho khách hàng có thể lựa chọn được các sản phẩm tốt, an toàn và phù hợp với mình nhất.
Vậy bạn có bao giờ nghe tới tiêu chuẩn RoHS hay chưa, bạn có hiểu được ý nghĩa mà RoHS phản ánh về sản phẩm và tầm quan trọng của nó khi một sản phẩm đạt tiêu chuẩn đó.
Hãy cùng tìm hiểu về Tiêu chuẩn RoHS là gì, ý nghĩa và tầm quan trọng của RoHS trong các thiết bị điện, điện tử và đặc biệt là đối với đèn Led nhé.
Contents
Tiêu chuẩn RoHS là gì?
RoHS là viết tắt của “Restriction of Hazardous Substances” có nghĩa là “Hạn chế các chất độc hại”, ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp điện tử và nhiều sản phẩm điện. RoHS ban đầu, còn được gọi là Chỉ thị 2002/95/EC, có nguồn gốc từ Liên minh Châu Âu vào năm 2002 và hạn chế việc sử dụng sáu vật liệu nguy hiểm có trong các sản phẩm điện và điện tử. Tất cả các sản phẩm áp dụng tại thị trường EU (Liên minh Châu Âu) kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2006 phải đạt tiêu chuẩn tuân thủ RoHS, được yêu cầu thực hiện và trở thành luật ở mỗi quốc gia thành viên.
Chỉ thị 2011/65/EU được EU công bố vào năm 2011, được gọi là RoHS-Recast hoặc RoHS 2. Chỉ thị 2015/863 được gọi là RoHS 3. RoHS 3 bổ sung thêm 4 chất bị hạn chế (phthalates) vào danh sách 6 chất, nâng tổng số các chất độc hại lên đến 10 chất.
RoHS là tiêu chuẩn đánh giá hạn chế các chất độc hại có trong một đơn vị sản phẩm điện tử, đảm bảo tính thân thiện của sản phẩm đó với môi trường tự nhiên và sức khỏe của con người. Tất cả các sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường Châu Âu đều phải đạt được tiêu chuẩn RoHS.
Đối với một sản phẩm điện tử thực sự an toàn phải đảm bảo không có chứa hoặc có chứa hàm lượng các chất độc hại có trong danh sách ở hàm lượng cho phép và các sản phẩm được phép lưu hành trên thị trường đều phải có logo của “RoHS Compliant”
Danh mục các chất độc gây hại được quy định trong Tiêu chuẩn RoHS
Tiêu chuẩn RoHS nhằm hạn chế việc sử dụng các chất độc gây hại trong sản xuất những loại thiết bị điện, điện tử. Đồng thời, nó cũng liên quan chặt chẽ với chỉ thị về thiết bị điện, chất thải điện tử Chỉ thị WEEE (viết tắt của “Waste electrical & Electronic equipment” có nghĩa là “chất thải từ các thiết bị điện và điện tử”) 2002/96/EC quy định việc xử lý, thu hồi và tái chế thiết bị điện và điện tử.
Liên minh Châu Âu EU RoHS quy định mức tối đa cho 10 chất bị hạn chế sau đây. 6 chất đầu tiên áp dụng cho RoHS ban đầu trong khi 4 chất cuối cùng được thêm vào RoHS 3, có hiệu lực vào ngày 22 tháng 7 năm 2019.
- Cadmium (Cd): <100 ppm (sản xuất pin cadmium / niken, mạ điện, sản xuất bột màu, hàn, hợp kim hàn, hệ thống báo động, phun nước tự động và che chắn hạt nhân…)
- Chì (Pb): <1000 ppm (sản xuất pin, tivi và màn hình máy tính…)
- Thủy ngân (Hg): <1000 ppm (sản xuất đèn huỳnh quang, đèn hơi thủy ngân, mạch in, mạ điện nhôm, máy điều nhiệt và pin nhiên liệu…)
- Crom hóa trị sáu: (Cr VI) <1000 ppm (sử dụng trong nhiếp ảnh, sơn, nhựa và các sản phẩm bằng thép không gỉ…)
- Polybromated Biphenyls (PBB): <1000 ppm (sử dụng trong chất chống cháy, bọt nhựa và nhựa nhất định được sử dụng trong các thiết bị điện gia dụng…)
- Polybromated Diphenyl Ethers (PBDE): <1000 ppm (sử dụng trong điện tử gia dụng, bảng mạch in và tụ điện…)
- Bis (2-Ethylhexyl) phthalate (DEHP): <1000 ppm (sử dụng để tăng cường độ dẻo của nhựa, có trong tấm phủ tường, khăn trải bàn, gạch lát sàn, đồ nội thất bọc nệm, vòi hoa sen, ống tưới tiêu, lớp lót hồ bơi, áo mưa, quần trẻ em, búp bê, một số đồ chơi, giày, vải bọc ghế ô tô, lõi phim, kim tim y tế, bịch chứa máu…)
- Benzyl butyl phthalate (BBP): <1000 ppm (sử dụng để sản xuất các sản phẩm nhựa mềm và dễ uốn. Đây là chất được sử dụng trong nhiều sản phẩm tiêu dùng như thảm, các loại túi, chai lọ, màng bọc, bọt cao su vinyl, gạch lát nền, đèn tín hiệu giao thông, dây cua roa, da nhân tạo…)
- Dibutyl phthalate (DBP): <1000 ppm (một chất làm dẻo thường được sử dụng như một phụ gia cho chất kết dính hoặc mực in, một chất chống ăn mòn…)
- Diisobutyl phthalate (DIBP): <1000 ppm (có thể làm cho nhựa cứng hơn, dẻo hơn, trong suốt hơn hoặc làm cho sơn cứng hơn tùy theo loại. Sử dụng làm chất hòa tan, nội thất ô tô, gạch lát sàn, áo mưa, giả da, sản phẩm đóng gói thực phẩm, dung môi làm bóng móng và mỹ phẩm khác…)
Bất kỳ doanh nghiệp nào bán các sản phẩm điện hoặc điện tử, thiết bị, cụm lắp ráp phụ, cáp, linh kiện hoặc phụ tùng thay thế trực tiếp đều bị ảnh hưởng nếu họ sử dụng bất kỳ chất nào trong số 10 chất bị hạn chế.
Các nhóm thiết bị điện – điện tử được áp dụng Tiêu chuẩn RoHS
- Đồ gia dụng lớn (như tủ lạnh, máy giặt, điều hòa, lò vi sóng…)
- Đồ gia dụng nhỏ (như máy hút bụi, lò nướng…)
- Thiết bị viễn thông và công nghệ thông tin IT (như máy tính, điện thoại, máy fax, bộ xử lý trung tâm…)
- Thiết bị tiêu dùng (như radio, ti vi, nhạc cụ…)
- Thiết bị chiếu sáng (như bóng đèn led, bóng đèn huỳnh quang…)
- Dụng cụ điện và điện tử (như máy may, máy khoan, thiết bị cầm tay…)
- Đồ chơi, thiết bị thể thao và giải trí (như bảng điều khiển trò chơi game bằng tay, các loại đồ chơi điện tử, video game…)
- Dụng cụ y khoa (như máy trợ khí…)
- Máy chế biến tự động (như: máy pha đồ uống…)
- Dụng cụ kiểm soát và quan sát (như máy hút khói, máy hút mùi, lò sưởi, camera…)
Tiêu chuẩn RoHS tại Việt Nam
Tiêu chuẩn RoHS có hiệu lực từ 01/07/2006 tại thị trường Châu Âu nhưng đối với thị trường Việt Nam những năm gần đây nền công nghệ khoa học mới được phát triển mạnh do đó việc ban hành cũng như áp dụng tiêu chuẩn RoHS muộn hơn.
Từ ngày 23/09/2011 theo thông tư số 30/2011/TT-BCT tiêu chuẩn RoHS có hiệu lực tại Việt Nam để hạn chế hàm lượng các chất độc gây hại có trong vật liệu của sản phẩm điện và điện tử lưu thông trên thị trường.
Chính vì Tiêu chuẩn RoHS mà các nhóm mặt hàng được quy định đã thay đổi theo chiều hướng ngày càng tích cực và có chất lượng đạt chuẩn quốc tế hơn rất nhiều. Đảm bảo tiêu chí ngày càng thân thiện với môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng.
Tất cả các sản phẩm được phép xuất ra thị trường Châu Âu và được phép nhập khẩu vào Việt Nam đều phải được đăng ký chứng nhận từ “RoHS Compliant”. Vì vậy nếu sản phẩm nào không có tiêu chuẩn thì không nên dùng vì nó có thể có chứa chất độc hại và khi mua nên kiểm tra trên bao bì xem có chứng nhận RoHS hay chưa để đưa ra lựa chọn tiêu dùng an toàn.